Đại Tùy Cầu 

Bồ Tát

Giới thiệu pháp tướng Đại Tùy Cầu Bồ Tát

Đại Tùy Cầu Bồ Tát đầu đội mũ miện, dáng hình hiên ngang (tướng Vô Úy) không hề sợ hãi với 8 cánh tay, thân mình màu vàng đậm. Tay trái cao nhất cầm bông hoa sen, trên bông hoa sen có một vòng bánh xe lửa. Cánh tay tiếp theo cầm hộp Kinh tiếng Phạn, một tay cầm bảo tràng, tay trái cuối cùng cầm sợi dây thừng. Tay phải cao nhất cầm chày kim cương 5 chấu, tay tiếp theo cầm lưỡi mác cong, tay tiếp theo cầm bảo kiếm, tay cuối cùng cầm cây đinh ba. Ngài ngồi trên đài hoa sen.

🌈 Lai lịch vĩ đại của Đại Tùy Cầu Bồ Tát và khẩu quyết tu pháp.

Đại Tùy Cầu Bồ Tát tên gọi trong tiếng Phạn là Maha Pratisara Vidyaraja. Ngài là một biến thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, gọi ngắn gọn là Đại Tùy Cầu Bồ Tát, là một trong các vị Bổn tôn có liên hệ với Thai Tạng Giới Mandala Âm Viện. Mật hiệu của ngài là Dư Nguyện Kim Cang.

Đại Tùy Cầu Bồ Tát thường tùy theo những điều cầu nguyện của chúng sinh mà ban cho được như ý. Bạn có điều ước gì thì ngài sẽ cho bạn điều đó, bởi vậy ngài có tên gọi là Đại Tùy Cầu. Một tên gọi khác của ngài là Đại Minh Vương, bởi vì đặc tính đầu tiên của Đại Tùy Cầu Bồ Tát là ngài sẽ hiển hiện lên với ánh sáng chói lọi nhất, rực rỡ nhất, mạnh mẽ nhất. Bất kể là Hiển giáo hay Mật giáo, Đại Tùy Cầu Bồ Tát trong Phật giáo là một vị Bồ Tát đặc biệt và thù thắng phi thường. Nhưng rất ít người biết có Đại Tùy Cầu Bồ Tát.

Công đức của Đại Tùy Cầu Bồ Tát chủ yếu nằm tại chú ngữ của ngài trên "Tùy Cầu tức đắc đại tự tại Đà-la-ni". Theo ghi chép trong kinh văn, Tùy Cầu Bồ Tát cảm ứng truyện quyển 3, có đủ các loại linh nghiệm khác nhau. Nói tóm lại, nghe thấy, thọ trì đọc tụng và lan truyền Đại Tùy Cầu Đà-la-ni có thể đạt được các loại công đức như: Không bị lửa thiêu, không bị trúng độc, hàng phục kẻ thù xung quanh, thoát khỏi địa ngục vô gián, đi trên biển tránh được cá dữ và Long Vương, sản sinh an lạc, tránh được nạn lớn...

Nói về sự linh nghiệm của ngài, trong kinh "Phổ biến quang minh thanh tịnh xí thịnh như ý bảo ấn tâm vô năng thắng Đại Minh Vương Đại Tùy Cầu Đà-la-ni" đã ghi chép: Tại Đại Thành Ca Tì La (Kapila), đồng tử La Hầu La (Rahula) khi còn ở trong thai mẹ là bà Da Du Đà La (Yasodhara), người mẹ từng bị ném vào hầm lửa, lúc này, La Hầu La nhớ ra niệm Đà-la-ni này, hầm lửa ngừng cháy biến thành ao sen. Còn có Quốc vương Ma Ca Đà (Madhaga) không có con, đã viết Đà-la-ni này ra đeo lên cổ của phu nhân, thế là cuối cùng đã được thỏa ước nguyện.

Tôi cho rằng nếu bạn hướng về hai vị Đại Tùy Cầu Bồ Tát và Bất Không Quyến Tác Quan Âm để thỉnh cầu thì họ đều sẽ giúp cho bạn đạt được ước nguyện. Vì sao gọi là Đại Tùy Cầu, cũng chính vì ngài được xếp vào hàng các vị Bồ Tát cầu gì được nấy. Phật pháp vốn giảng về sự "vô cầu", "vô sở cầu", nhưng Bồ Tát từ bi, vẫn muốn giúp cho chúng sinh được như ý nguyện. Đây chính là bi nguyện lớn nhất của bản thân Bồ Tát, do vậy mới gọi là Đại Tùy Cầu.

Con người trên thế gian này hầu hết đều mong cầu điều gì đó, điều này cũng là bản tính, là đặc tính chung giống nhau của mỗi người. Đại Tùy Cầu Bồ Tát từ bi đối với chúng sinh của thế gian, để cho lòng từ bi hóa hiện thành những việc cầu được ước thấy. Sau khi ngài cho bạn có được cảm ứng, bạn có thể giữ được đạo tâm vững chắc, hơn nữa bạn sẽ càng tôn kính, càng thành tâm tin tưởng vào Quan Thế Âm Bồ Tát.

🌈Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Pháp Vương truyền thừa Chân Phật Tông đặc biệt truyền thụ 8 thủ ấn của Đại Tùy Cầu Bồ Tát:

1. Nội ngũ cổ ấn,

2. Thời Luân Kim Cang ấn,

3. Đại Uy Đức Kim Cang ấn,

4. Tôn Thắng Phật Mẫu ấn,

5. Tam cổ ấn,

6. Đan cổ ấn,

7. Hư Không Tạng ấn,

8. Phạn khiếp ấn,

Sau khi kết 8 ấn, hai tay xoa vào nhau ba lần, lại lật lại vỗ vào nhau ba lần, đây chính là chìa khóa bí mật, rất quan trọng.

Bởi vì, làm thế này thì trong tâm của Đại Tùy Cầu Bồ Tát lập tức nghe thấy âm thanh lời thỉnh cầu của bạn, xoa ba lần là có thể chạm tới tâm của Đại Tùy Cầu Bồ Tát, lại vỗ ba cái, ngài sẽ đáp lại lời thỉnh cầu của bạn. Mỗi lần bạn thỉnh cầu ngài, hãy kết thủ ấn này và niệm chú ngữ của ngài: "Om. Maha. Pratisara. Soha." (Pháp này cần có quán đảnh từ Lư Sư Tôn)

Đại Tùy Cầu Bồ Tát không phải là Bồ Tát "tùy tiện", không phải cứ tùy tiện cầu là có thể được. Ngài có pháp lực rất lớn, có thể làm mãn nguyện chúng sinh, nhưng bản thân chúng sinh cũng cần phải cân nhắc, điều cầu xin cần phù hợp với tài năng và phẩm hạnh của bản thân, không phải cứ tùy tiện cầu xin.

Bạn muốn nguyện vọng của mình có thể thành hiện thực thì buộc phải tuân thủ các giới luật của Phật giáo và của ngài Đại Tùy Cầu, có như vậy thì ngài mới giúp nguyện vọng của bạn thành hiện thực được. Đại Tùy Cầu Bồ Tát có thể lựa chọn giúp đỡ chúng sinh khỏi mọi tội chướng, sợ hãi, bệnh tật, và giúp thân tâm an lạc, cầu được viên mãn. Người thọ trì chú này có thể có được sự bảo vệ của chư thiên, rồng, thần và có được sự bảo vệ của Nhất Thiết Như Lai.

Liên Sinh Hoạt Phật truyền dạy pháp Đại Tùy Cầu Bồ Tát nhằm hi vọng mọi người được như ý viên mãn. Sau khi được như ý viên mãn rồi thì bước thêm một bước nữa đến "vô cầu", tới cuối cùng là "vô sở cầu", như vậy mới có thể thành Phật, tu hành sẽ được thành tựu. 


Nguồn: Chân Phật Tông

Nguồn biên dịch: chanphat.org