Cao Vương Quán Thế Âm Bồ Tát

Giới thiệu pháp tướng Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát

Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát đầu đội mũ Thất Phật, mặt như trăng tròn, diện mạo của Ngài như Phật, đội mũ miện hoa rủ hai bên, tay phải kết ấn thuyết pháp, tay trái kết ấn đẳng trì, thân mặc thiên y váy xếp, trên thiên y có Thất Phật diệt tội chân ngôn, đeo chuỗi ngọc, hoa tai, vòng tay, vòng chân, chân dẫm trên hoa sen bảy sắc cầu vồng. Sau lưng ngài có chữ Phạn màu vàng, quanh thân tỏa ra hào quang chiếu đến thế giới của thập phương tam thế.

Khai thị của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn

Cao Vương Quan Thế Âm trên đầu đội mũ Thất Phật, là pháp vương tử của Thất Phật.

Bảy vị Phật quá khứ chính là: Tì Bà Thi Phật (Vipasyin), Thi Khí Phật (Sikkhim), Tì Xá Phù Phật (Visvabhu), Câu Lưu Tôn Phật (Krakucchanda), Câu Na Hàm Mâu Ni Phật (Kanakamuni), Ca Diếp Phật (Kasyapa), Thích Ca Mâu Ni Phật (Shakyamuni).

Hai bộ Kinh điển mà Chân Phật Tông tôn sùng nhất là Chân Phật Kinh và Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn có duyên phận rất sâu với Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngày xưa, trụ trì của Ngọc Hoàng Cung là sư Thích Huệ Linh đã tặng cho Lư Sư Tôn một cuốn Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh (gọi tắt là Cao Vương Kinh). Kể từ lúc đó, Lư Sư Tôn đã trì tụng Kinh này mỗi ngày cho đến tận bây giờ.

Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát từng chỉ thị cho Thánh Tôn, Bồ Tát nói: “Ngài không nhất định phải niệm cả bài. Thật ra, Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh vốn dĩ đã rất ngắn. Nếu Ngài rất khẩn cấp, Ngài chỉ cần niệm tên Kinh là được rồi.” Bồ Tát chỉ thị cho tôi như vậy, Ngài nói: “Niệm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh là được rồi.” Bồ Tát sẽ lập tức nghe thấy tiếng mà cứu khổ, bạn chỉ cần ở trước Phật đường và niệm “Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh” là bạn sẽ trở nên thanh tịnh rồi. Quán tưởng trên đầu bạn hiện lên màu trắng tức là thanh tịnh rồi. Tiếp tục niệm “Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh”, cái cổ cũng trở nên thanh tịnh. Tiếp tục niệm “Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh”, thân trên của bạn thanh tịnh. Tiếp tục niệm “Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh”, thân dưới của bạn cũng thanh tịnh. Tiếp tục niệm “Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh”, phía trên đầu gối toàn bộ đều thanh tịnh. Tiếp tục niệm “Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh”, toàn thân bạn đều có thể thanh tịnh. Đây là pháp phương tiện, Bồ Tát nói: “Vào buổi sáng ngài cần niệm tên Kinh này.” Bồ Tát nói như thế thì toàn thân sẽ thanh tịnh.

Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh là mộng thụ Kinh, tức là Kinh điển được truyền dạy trong mộng mà có. Từ thời Ngụy Tấn, Nam Bắc Triều đến thời kì Đường Tống đã bắt đầu cực kì thịnh hành rồi, rất có cảm ứng, người người đều đọc thuộc. Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh có lịch sử lâu đời, còn lưu truyền đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại 88 đạo tràng tâm linh của Nhật Bản cũng tìm thấy Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh bằng tiếng Nhật.

Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh vào thời nhà Đường vô cùng thịnh hành. Trong vương triều Tây Hạ, người dân trong cả nước đều niệm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, lưu truyền đến triều Đường, nhân dân cả nước vào triều Đường cũng đều niệm. Triều Đường là thời đại hưng thịnh nhất của dân tộc Trung Hoa, là thời đại huy hoàng nhất, bởi vì có Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát ở đó.

Phật giáo là từ Ấn Độ truyền đến Tây Tạng, truyền đến Trung Quốc, truyền đến Hàn Quốc, cuối cùng mới truyền đến Nhật Bản. Nhật Bản cũng có Cao Vương Kinh, có thể thấy Cao Vương Kinh từ rất sớm đã lưu truyền tại tất cả mọi nơi có Phật giáo rồi. Trong Cao Vương Kinh toàn là danh hiệu của Phật và danh hiệu của Bồ Tát, ví dụ trong đó có Thanh Lương Bảo Sơn Ức Vạn Bồ Tát, chính là hàng tỉ Bồ Tát của Ngũ Đài Sơn, còn có lục phương Lục Phật, danh hiệu của trăm triệu Kim Cang Tạng Phật và Đa Bảo Phật đều ở trong đó. Toàn văn Cao Vương Kinh còn có phụng thỉnh Bát Đại Bồ Tát: Quan Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Di Lặc, Hư Không Tạng, Kim Cương Thủ, Trừ Cái Chướng, còn có Thất Phật diệt tội chân ngôn, Kinh này “niệm đủ 1000 biến, trọng tội đều tiêu diệt, diệt được khổ sinh tử, tiêu trừ mọi độc hại”.

Trong Kinh văn có một câu nói: “Diệt được khổ sinh tử, tiêu trừ mọi độc hại”, câu nói này có thể diệt hết sinh khổ và chết khổ của bạn, tương đương với khổ trong một đời đều có thể tiêu trừ. Tiêu trừ mọi độc hại, tất cả những gì hại đến bạn, những gì có độc đều có thể tiêu trừ hết. Trong cuộc đời của Liên Sinh Hoạt Phật, sự bảo hộ nhận được từ Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát là vô cùng vô tận.

Trọng điểm của Cao Vương Kinh nằm ở đâu? Vị Phật đầu tiên được nhắc đến trong Cao Vương Kinh cũng là A Đạt Nhĩ Mã Phật (Adharma Buddha), Tịnh Quang Bí Mật Phật là vị Phật đầu tiên. Nam mô Tịnh Quang Bí Mật Phật, tên đầy đủ phải là Tịnh Quang Liên Hoa Đồng Tử Bí Mật Phật, Tịnh Quang Bí Mật Phật cũng chính là Liên Hoa Đồng Tử.

Cho nên bất luận là thi cử, cầu con, cầu tư lương, cầu kính ái, trừ trọng tội, tiêu bệnh nghiệp, cầu vãng sinh… Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát đều có cầu tất ứng, thập phương Quan Thế Âm, tất cả chư Bồ Tát đều sẽ đến giúp đỡ bạn, bởi vì trong Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh có một bài kệ, “Thập phương Quan Thế Âm, tất cả chư Bồ Tát, thề nguyện cứu chúng sinh, xưng danh đều giải thoát (nghiệp chướng đều tiêu trừ).”

Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát rất linh nghiệm, cho nên rất nhiều người niệm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, “tụng đủ 1000 biến, trọng tội đều tiêu diệt”. Khi xưa chúng ta đã thay đổi hai chỗ trong Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh. Thay đổi như thế nào? Trong bài kệ hồi hướng của Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh có câu “Người phúc mỏng không tin, chuyên thọ trì Kinh này”, bạn không có phúc phần, hoặc là bạn không tin, nhưng vẫn chuyên chú trì Kinh điển này thì cũng vẫn có cảm ứng. Sau này chúng ta đổi thành: “Người có phúc tín tâm, hãy chuyên tâm đọc tụng.” (Ngoài ra còn có bản viết là “Người tín tâm phúc dày”.) Người có phúc phần, hoặc là bạn là người có lòng tin vững chắc vào Cao Vương Kinh, thì đều có thể niệm Kinh điển này.

Cao Vương Kinh chính là Kinh điển do một vị Như Lai rất vĩ đại nói ra, nói cho tù nhân nghe, tù nhân nghe xong thì đã niệm Kinh này, cực kì có cảm ứng, do vậy Kinh này mới được lưu truyền. Cao Vương Kinh gọi là Chân Kinh, là chân chính, là thập phương tam thế nhất thiết Phật, nhất thiết Bồ Tát Ma Ha Tát.

Sau khi Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn đắc chứng, lúc mới chuyển pháp luân, biết Cao Vương Kinh có công đức bất khả tư nghì vô lượng vô biên, đây là Đại Sĩ vì tiện lợi độ chúng sinh nên đã thị hiện một bản Kinh điển có đầy đủ tất cả pháp tướng, phổ độ tất cả chúng sinh hữu tình, Hiển-Mật viên thông, đắc đại trí huệ, thành tựu thân kim cương bất hoại. Người niệm Cao Vương Kinh, lại niệm thêm đại minh chú lục tự chân ngôn “Om Mani Padme Hum” 108 biến, thì có thể tu quán tưởng pháp Quan Âm Tứ Thủ, sẽ có 36 thiện thần ngày đêm bảo vệ, tất cả quỷ thần không ai là không cung kính nghe lệnh, đúng là công đức vô lượng vô biên.

Cuốn Kinh điển đầu tiên mà tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) tại Ngọc Hoàng Cung đã thỉnh được: Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh.

Cuốn Kinh điển đầu tiên mà tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) đọc thuộc: Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh.

Cuốn Kinh điển đầu tiên mà tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) đạt được cảm ứng linh nghiệm: Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh.

Cuốn Kinh điển đầu tiên mà tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) truyền rộng rãi: Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh.

Cho nên tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) nói: “Chân Phật Tông tôn sùng Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh.”

Tôi tin tưởng câu nói trong Kinh văn “diệt được khổ sinh tử, tiêu trừ mọi độc hại”, bởi vì tôi trì tụng lâu ngày, quả nhiên đạt được đại tương ứng.

Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh là pháp lợi ích thuần tịnh nhất.

Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh là Tịnh thổ cao quý nhất.

Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh là lá cờ pháp cao nhất.

Đệ tử Chân Phật Tông tôn sùng Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, phàm là đệ tử Chân Phật thì phải người người trì tụng đủ nghìn biến, phải người người trì tụng cả đời cả kiếp, phải biến thành Tịnh thổ mà bản thân mình hóa thân hợp nhất, phải lưu giữ trong tâm khảm như báu vật vĩnh hằng.

Dựa theo tư liệu lịch sử ghi chép, nhân dân cả nước thời vương triều Tây Hạ đều niệm Cao Vương Kinh, khi ấy ấn tỉ của hoàng đế vương triều Tây Hạ viết là Đại Bạch Cao Quốc. Cảnh Tông, Nhân Tông và Mạt Đế của vương triều Tây Hạ (Đại Bạch Cao Quốc) đều là hóa thân của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn.

Có một người là ông Đinh Phúc Bảo là đại sư Phật học (người biên soạn “Phật học đại từ điển”), ông ấy cho rằng Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát là cao nhất, là bậc chí cao vô thượng, giống như vua vậy, không có ai cao hơn vua, cho nên, bản Kinh điển này gọi là Cao Vương Quan Thế Âm Kinh, đây là chú giải của Đinh Phúc Bảo.

Thật ra Đại Bạch Cao Quốc chính là vương quốc của Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát mà Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử sáng tạo ra.

Tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) khuyên mọi người niệm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, không chỉ là niệm 1000 biến mà càng nhiều càng tốt.

Bởi vì niệm Kinh này là kết duyên phận lớn nhất với Thập phương tam thế nhất thiết chư Phật, nhất thiết Bồ Tát, tương lai mọi người đều sẽ có thành tựu. Ngoài niệm Thất Phật diệt tội chân ngôn ra cũng cần phụng thỉnh Bát Đại Bồ Tát, phụng thỉnh Bát Đại Bồ Tát cũng rất quan trọng, cho nên cũng phải thêm vào.


Nguồn: Chân Phật Tông

Nguồn biên dịch: chanphat.org