Vajrasattva Kim Cương Tát Đỏa

Giới thiệu pháp tướng Kim Cang Tát Đỏa

Kim Cang Tát Đỏa thân màu trắng, tướng đẹp trang nghiêm, thiên y váy xếp, đủ loại báu vật trang sức cho thân ngài. Ngài ngồi trên nguyệt luân hoa sen tám cánh, tay phải kết ấn phẫn nộ cầm chày kim cang đặt ở vị trí tâm luân, tay trái kết ấn phẫn nộ cầm chuông kim cang đặt ở trên đùi trái.

Cũng có Kim Cang Tát Đỏa thân sắc màu vàng.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị lai lịch thù thắng của Kim Cang Tát Đỏa và khẩu quyết tu pháp

Trong Mật giáo, Kim Cang Tát Đỏa là một vị đại Bồ Tát tôn quý nhất, là Tỳ Lô Giá Na Phật tại Đại Mandala Kim Cương Giới nhập vào tam muội của tất cả Như Lai Phổ Hiền mà sinh ra.

Vị Phật nguyên thủy cũng chính là Bản Sơ Phật, Đa Kiệt Khương Phật (Dorje Chang, tức Kim Cương Tổng Trì, tiếng Phạn là Vajradhara), cũng là Phổ Hiền Vương Như Lai, Adharma Phật, Kim Cương Tổng Trì.

Ngài hóa thân thành năm vị Phật: Trung ương Tỳ Lô Giá Na Phật, tây phương A Di Đà Phật, đông phương A Súc Phật, nam phương Bảo Sinh Phật, bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật. Pháp vương tử của Ngũ Phật chính là Kim Cang Tát Đỏa, là tâm kim cương bồ đề của tất cả Như Lai, là hóa thân của Ngũ Phật để giáo hóa chúng sinh, là pháp vương tử của tất cả Như Lai. Ngài là vị duy nhất có thể đại diện cho Kim cương thừa.

Khi xưa, Long Thọ Bồ Tát ở Nam Thiên Trúc (Ấn Độ) mở tháp sắt, gặp mặt Kim Cang Tát Đỏa. Kim Cang Tát Đỏa đã truyền thụ toàn bộ pháp của Kim cương giới và Thai tạng giới cho Long Thọ Bồ Tát. Kể từ đó Mật giáo mới bắt đầu truyền bá, mới có truyền thừa của Mật giáo. Vì thế, Kim Cang Tát Đỏa chính là giáo chủ của Mật giáo.

Kim cang đại diện cho bất hoại, tánh Không; Tát Đỏa đại diện cho Bồ Tát, Kim Cang Tát Đỏa chính là Kim Cương Bồ Tát.

Pháp thân, báo thân, ứng thân của Kim Cang Tát Đỏa là:

1. Kim Cang Tát Đỏa: Bản thân Bồ Tát, đại diện cho từ bi.

2. Kim Cang Thủ Bồ Tát: Tượng trưng cho sức mạnh, đại diện cho phương tiện.

3. Kim Cang Tâm Bồ Tát: Tượng trưng cho ý, đại diện cho pháp chỉ.

Kim Cang Tát Đỏa vốn dĩ là kết tinh của ý, pháp lực và mọi trí huệ. Đại bộ phận các Kim Cang Thần đều là do Kim Cang Tát Đỏa biến hóa mà ra.

Truyền thừa của Mật giáo là: Kim Cương Tổng Trì - Ngũ Phật (Ngũ Kim Cương Trì) - Kim Cang Tát Đỏa (Kim Cương Trì thứ sáu).

Truyền thừa trí huệ chân thực của Chân Phật Tông là: Kim Cương Tổng Trì - Ngũ Phật (Ngũ Kim Cương Trì) - Kim Cang Tát Đỏa (Kim Cương Trì thứ sáu) - Pháp vương Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn (Kim Cương Trì thứ bảy) - Kim cương Thượng sư của Chân Phật Tông (Kim Cương Trì thứ tám).

Mật giáo coi trọng nhất là truyền thừa. Giống như mỗi lần trước khi thuyết pháp, tôi nhất định phải nhắc đến các vị Sư Phụ truyền thừa của mình.

Sư phụ của Liên Sinh Hoạt Phật chính là Liễu Minh Hòa Thượng, là vị Thầy học theo phái Nyingma - Hồng giáo của Tạng Mật; là Sakya Chứng Không Thượng Sư của phái Sakya - Hoa giáo, là truyền thừa của Hoa giáo; là Đại Bảo Pháp Vương Karmapa thứ 16, thủ lĩnh của phái Bạch giáo, vì thế đây là truyền thừa của Bạch giáo; là Thubten Dhargye Thượng Sư, Sư Phụ của Hoàng giáo. Mật giáo luôn nói đến truyền thừa.

Hôm nay, chúng ta không thể nói rằng bản thân đã học xong pháp của Thầy rồi, vậy thì lập ra một “cửa tiệm” mới chứ nhỉ? “Cửa tiệm” của Sư Tôn gọi là Chân Phật Tông - True Buddha School, vậy bạn sẽ lấy tên là Chân Như Tông, hoặc là Chân Pháp Tông, gọi là tông gì cũng được, đúng thế không? Hoặc là sau khi rời khỏi Sư Tôn, bạn sẽ cắt đứt truyền thừa? Điều này là không được.

Cây có cái gọi là thân cây, có cái gọi là cành cây, có gốc rễ, có thân, có cành, như vậy mới gọi là một cái cây, nếu bạn cắt đứt truyền thừa thì giống như cái cây mất gốc, bạn sẽ không còn truyền thừa nữa. Không có truyền thừa thì không có cái gì cả. Vì vậy, chúng ta lấy việc “Kính Sư” là quan trọng nhất. Liên Hoa Sinh Đại Sĩ đã nói: “Kính sư, trọng pháp, thực tu.” Kính sư xếp hàng đầu.

Tiếp theo là hoàn tịnh. Mật giáo có rất nhiều điều cấm (giới), có 14 đại giới, có Sự sư pháp ngũ thập tụng (50 quy tắc về ứng xử giữa Thầy và trò), nếu bạn phạm giới, đương nhiên nhất định phải sám hối, nếu sám hối thì nhất định phải niệm chú sám hối. Thế nào là chú sám hối? Bách tự minh chú (chú 100 âm) chính là chú sám hối, bởi vì hoàn trả về hư không, trả lại cho hư không, đem toàn bộ thiện nghiệp, ác nghiệp trong cuộc đời bạn hoàn trả về hư không, biến bản thân thành hư không, như vậy sẽ trở nên không ô nhiễm, đây gọi là sám hối.

Bạn sám hối với Căn bản Thượng sư, sám hối với Thầy cũng chính là sám hối, sám hối với trưởng lão cũng chính là sám hối. Bạn niệm nhiều Bách tự minh chú, Kim Cang Tát Đỏa chính là một vị Bổn tôn sám hối. Bạn hướng về lão Tổ sư, giáo chủ Mật giáo để sám hối, thì bạn cần thường xuyên niệm Bách tự minh chú.

Pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát là một trong các pháp của Tứ gia hành, là một pháp quan trọng nhất, nó được gọi là một trong những khóa tu bắt buộc của Mật thừa. Và Bách tự minh chú của Kim Cang Tát Đỏa là vua của các câu chú, là câu chú của tánh Không, chí ít cũng phải niệm chú này đủ 100.000 biến.

Bách tự minh chú của Kim Cang Tát Đỏa có thể tiêu trừ tất cả nghiệp chướng từ vô thủy đến nay, toàn bộ đều được thanh tịnh, có thể khiến hạnh nguyện của hành giả Mật tông vững chắc như kim cương. Vì thế, chúng ta niệm Kim Cang Tát Đỏa Bách tự minh chú là đại diện cho một cái Không viên mãn. Đôi khi chúng ta tu pháp sám hối, chúng ta niệm Kim Cang Tát Đỏa Bách tự minh chú, sẽ giúp cho chúng ta sản sinh ra tánh Không, Ngài chính là đại diện cho viên mãn.

Kim Cang Tát Đỏa Bách tự minh chú vô cùng quan trọng, là tâm của chính bản thân Kim Cang Tát Đỏa hóa ra, tương đương với Phật tánh. Câu chú này bao gồm bốn ý nghĩa lớn:

1. Tự tính thanh tịnh.

2. Tất cả thanh tịnh.

3. Quảng đại tự tính thanh tịnh.

4. Quảng đại thanh tịnh mọi thứ khác.

Đây là điều lí thú cao nhất của Mật giáo Đại Thủ Ấn, là tội khởi từ tâm thì dùng tâm sám hối, là tự tánh không tánh, căn bản đã đạt đến chân lí không của bản chất tội lỗi.

Với ý nghĩa bí mật ấy, công đức rất vĩ đại ấy, sau khi tu pháp nếu trì niệm câu chú này 3 biến, thì mọi lỗi lầm, sai sót trong khi tu pháp thì tương đương có đại nguyệt luân tỏa ánh sáng để bù đắp hết, chư Phật Bồ Tát sẽ không trách tội.

Thường tụng Bách tự minh chú có thể sám hối, có thể tiêu trừ nghiệp chướng, có thể bổ khuyết và chặn dừng ác niệm, khiến ác niệm không tăng trưởng, có thể phá trừ mọi phiền não, có thể hàng phục ma quái, khiến yêu ma lánh xa không dấu vết, có thể tăng trưởng phúc phần và đức hạnh, sinh ra đủ loại công đức, tất cả có thể như nguyện như ý.


Nguồn: True Buddha School

Nguồn biên dịch: chanphat.org