Bát Nhã Phật Mẫu hiện thân sắc màu vàng, có một đầu, bốn tay, đầu đội mũ thiên nữ, mặc thiên y váy xếp, đeo vòng tai vòng tay, chuỗi ngọc làm đồ trang sức, pháp tướng trang nghiêm. Hai tay ngài kết Di Đà định ấn ở phía trước, tay trái còn lại cầm quyển kinh Bát Nhã, tay phải còn lại cầm chày kim cang chín cổ màu vàng.
Bát Nhã Phật Mẫu là một vị Phật Mẫu lớn nhất, là mẫu thân của mọi vị Phật. Bởi vì khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế đã thuyết kinh Đại Bát Nhã, bản cô đọng từ kinh Đại Bát Nhã chính là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh mà chúng ta thường xuyên nhắc tới, tên thường gọi là kinh Kim Cang, và bản cô đọng từ kinh Kim Cang chính là Tâm Kinh, vì thế kinh Đại Bát Nhã, kinh Kim Cang, Tâm Kinh thật ra là thuộc một bộ. Lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni chính là thuyết pháp môn Bát Nhã.
Tất cả chư Phật đều từ trong kinh Đại Bát Nhã ở lần chuyển pháp luân thứ hai mà sinh ra, vì thế, Phật Mẫu tối cao của pháp môn Bát Nhã được gọi là Bát Nhã Phật Mẫu, cũng tức là vị Phật Mẫu sinh ra tất cả chư Phật, vì thế, pháp lực của Ngài là vô cùng lớn, trí huệ mà Ngài ban cho là vô cùng vô tận.
Ba lần chuyển pháp luân của Phật Thích Ca Mâu Ni, lần chuyển pháp luân thứ nhất chính là cái “Không” của Hoa Nghiêm, lần chuyển pháp luân thứ hai chính là “tánh Không” của Bát Nhã, lần chuyển pháp luân thứ ba là “phân biệt tánh Không” của Duy Thức.
Bát Nhã Phật Mẫu là vị đứng đầu của mọi Phật Mẫu, là Phật Mẫu tối cao, chính vì có trí huệ như vậy mới có thể đạt đến bỉ ngạn. Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc trí huệ tối cao, mọi vị Phật đều là các bậc trí huệ tối cao, chỉ có đại trí huệ mới có thể đạt đến quả vị Phật giác ngộ.
Maha có nghĩa là lớn, bát nhã chính là tự như tự tại, ba la mật chính là đạt đến bỉ ngạn, trí huệ tự tánh thanh tịnh chính là Bát Nhã, chính là đến đi tự như tự tại, trí huệ tự tánh thanh tịnh này, ba la mật này chính là bến bờ bên kia.
Bát Nhã Phật Mẫu có thân tướng màu vàng, đội mũ của thiên nữ, tướng mạo giống như thiếu nữ 16 tuổi, Ngài có bốn cánh tay, một tay cầm kinh Bát Nhã, một tay cầm chày kim cang, hai tay còn lại thì kết định ấn, vô cùng trang nghiêm.
Trong Phật giáo có nói một câu: “Luân - Niết bất nhị.” Luân tức là luân hồi, niết tức là niết bàn, vì sao lại “luân-niết bất nhị”? Đây chính là trí huệ của Bát Nhã, Bát Nhã Phật Mẫu chính là đến từ đây. Ngài cầm kinh Bát Nhã, cầm chày kim cang bất hoại, hai tay kết định ấn, ở trong định. Thủ ấn của Ngài là ấn kinh điển, tay phải ở trên, tay trái ở dưới, úp lòng bàn tay vào nhau, đây chính là thủ ấn của Bát Nhã Phật Mẫu.
Mật giáo gọi trí huệ là Phật Mẫu, thậm chí gọi kinh điển của Bát Nhã là kinh Phật Mẫu.
Phật Mẫu cũng có ý nghĩa là người mẹ sinh ra tất cả trí huệ, thậm chí coi tất cả Phật đều là từ Phật Mẫu sinh ra.
Trí huệ ở đây tượng trưng cho: Đại lạc - Quang minh - Hư không.
Nói tóm lại, Phật Mẫu tượng trưng cho trí huệ, trí huệ tượng trưng cho hư không, hư không sinh ra tất cả. Phật Mẫu của Mật giáo trợ giúp hành giả: Đại lạc, quang minh, giải thoát, thành Phật Bồ Đề.
Vô số Phật đều từ vô số Phật Mẫu sinh ra.
Địa vị của Bát Nhã Phật Mẫu là cao quý nhất, Ngài là suối nguồn của trí huệ, tương đương với Phật. Ngài là bậc giác tri, là bậc giác ngộ, là Phật Mẫu vô thượng.
Vô Ngã Mẫu, Phẫn Nộ Mẫu, Kim Cang Mẫu, Kim Cang Hợi Mẫu, Tổng Trì Mẫu, Bát Nhã Mẫu đều cùng một hệ thống, chính là từ Bát Nhã Phật Mẫu cứ thế từng lớp từng lớp liên tục như vậy. Bản thân Phật Mẫu có sức mạnh rất vĩ đại, bởi vì Mẫu tức là sinh ra tất cả, sinh ra tất cả mới gọi là Mẫu.
Tu hành Mật giáo có bốn trọng điểm, trọng điểm thứ nhất là quán tưởng, trọng điểm thứ hai là trì chú “(Tê-ya-tha) Ôm gê-tê gê-tê pô-lô-gê-tê pô-lô-sâng-gê-tê pu-thi sô-ha. (Om Gate Gate Para Gate Para Sam Gate Bodhi Svaha)” Trọng điểm thứ ba là kết ấn, khi bạn đã trì chú xong và nhập tam muội địa thì bạn phải kết ấn hộp kinh Bát Nhã này. Trọng điểm thứ tư là nhập tam muội địa.
Điểm quan trọng chính yếu là Bát Nhã Phật Mẫu giáng xuống, Ngũ Phật giáng xuống, toàn bộ các vị hóa thành ánh sáng tiến vào trong tâm của hành giả, toàn bộ thân tâm của hành giả đều tràn đầy cam lộ. Có nghĩa là từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, cho đến tận ngón chân, toàn bộ các lỗ chân lông đều là cam lộ, khí mạch toàn thân, tất cả mọi nơi trên thân thể đều tràn đầy cam lộ, đây là một điểm quan trọng. Nhập ma muội địa xong thì xuất định.
Nguồn: True Buddha School
Nguồn biên dịch: chanphat.org
Liên Sinh Thánh Tôn ban truyền Phật Mẫu Bát Nhã quán đảnh